Mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai hình thành trên 300 năm là nơi giao thoa các nền văn hóa khác nhau. ... Hai tục kiêng kỵ này đã làm cho lớp người mới định cư ở Biên Hòa sau năm 1975 thắc mắc rất nhiều. Cùng Nhà đất TT Gia Ray Xuân Lộc tìm hiểu xem lý do tại sao nhé !
Tại sao Người Biên Hòa không ăn Tân Gia ?
Nếu ăn tân gia thì sao?
Người lớn bảo rằng: Nếu ăn tân gia thì cơ ngơi sẽ lụi tàn, sẽ phá sản, sẽ... đủ thứ xui xẻo...
Hic, tin hay không tin thì bạn cũng chả dám tổ chức ăn tân gia, vì... cũng sợ chứ!
Khổ nỗi, cất được cái nhà mới thì mừng lắm, muốn mời người thân, bạn bè tới để khao và khoe. Vậy phải làm sao?
Người Biên Hòa lách luật bằng cách khi xây nhà xong, cố chọn một ngày kỷ niệm nào đó như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, hoặc mừng thọ chẳng hạn, tổ chức buổi tiệc mời mọi người tới chung vui. Mọi người cũng đều biết tỏng là hắn mời mình tới để ăn tân gia, mừng nhà mới nên đến chung vui, trầm trồ khen nhà đẹp... nhưng cứ giả vờ như là ăn sinh nhật vậy!
Vì đâu có điều kiêng kỵ lạ kỳ như vậy?
Không phải dân Biên Hòa chính gốc nên không biết nguyên do. Hỏi thăm người dân địa phương thì mỗi người trả lời một cách, nhưng tựu trung là: Tại ông bà dặn như vậy!
Đây là một tục lệ của người Hoa, phát xuất từ cuối thế kỷ 17.
Thuở ấy lưu dân người Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên vào đất Biên Hòa. Mang trong lòng hoài bão Phản Thanh phục Minh, Trần Thượng Xuyên khuyến nhũ đồng bào mình rằng vùng đất phương Nam này chỉ là nơi ở tạm, chờ thời cơ quay về cố quốc, chứ quyết không định cư mãi mãi. Vì chỉ là nơi "tạm trú dài hạn" nên quyết không được ăn tân gia, để bày tỏ tấm lòng mong muốn quay về quê hương.
Vì những lý do tế nhị, họ không nói rõ lý do này ra với người Việt bản xứ. Còn người Việt, thấy họ làm thế cũng... bắt chước làm theo, dù không rõ nguyên do. Và cứ thế điều cấm kỵ này lưu truyền mãi đến nay đã hơn 300 năm!
Như chúng ta đã biết, năm 1698 Nguyễn Hữu Cảnh đã vâng lệnh chúa Nguyễn vào đất Đồng Nai, hình thành nên Biên Hòa và Gia Định. Trong việc khai mở và giũ gìn vùng đất này, Trần Thượng Xuyên và những lưu dân người Hoa theo chân ông đã đóng góp vai trò không nhỏ. Giờ đây, hậu duệ của họ đã trở thành người dân Việt và gắn bó mãi với mảnh đất này. Vì thế tục lệ không ăn tân gia với nguyên do nêu trên đã thành vô nghĩa.
Thế nhưng người Biên Hòa vẫn không ăn tân gia, chả cần hiểu tại sao. Và tôi, giả dụ như có cất nhà mới ở Biên Hòa cũng quyết... không ăn tân gia, vì người ta sao mình vậy mà!
Tại sao Người Biên Hòa kỵ màu đỏ?
Bây giờ thì điều kiêng kỵ này đã giảm bớt rồi, đi ra đường ở Biên Hòa bạn vẫn thấy những chiếc xe máy màu đỏ chạy tung tăng.Thế nhưng cách đây chưa lâu lắm dân Biên Hòa tuyệt đối không mua xe màu đỏ.
Người ta nói rằng sắm xe màu đỏ thì chắc chắn 100% chủ xe sẽ bị tai nạn bể đầu vỡ óc, chết bất đắc kỳ tử, có nhẹ hơn thì cũng bị gãy tay, gãy chân, gãy xương sườn. Nếu như phước đức ông bà để lại thì nhẹ nhất là... bị mất xe!
Nghe nói rằng những năm 90 thế kỷ trước, khi xe máy bắt đầu thịnh hành lại tại Việt Nam, các hãng xe mang xe tới chào bán tại Biên Hòa đều đau đầu không giải thích được tại sao xe màu nào cũng bán được, chỉ riêng xe màu đỏ là đố bán được chiếc nào tại Biên Hòa!
Người Biên Hòa còn kỵ mặc quần áo màu đỏ. Người lớn nói rằng mặc đồ đỏ sẽ bị ốm đau bệnh tật, bị tai nạn bất ngờ (có thể dẫn đến tử vong). Người trẻ hơn thì dẫn chứng hùng hồn rằng cứ xem đội bóng Đồng Nai đá banh, trận nào mặc áo đỏ thì chưa đá đã cầm chắc thua rồi, chẳng những thua mà còn thua đậm, thua te tua, thẻ vàng thẻ đỏ tùm lum (lại đỏ!)
Hồi tôi mới đến Biên Hòa, ngạc nhiên lắm về điều này, bởi vì có ai nói màu đỏ là xui bao giờ? Thậm chí đỏ còn là hên nữa kia, ta vẫn nói số đỏ là số hên, vận đỏ là vận may đó sao. Ngày Tết nữa, là ngày màu đỏ tràn đầy (à, ngày Tết có câu đối đỏ, pháo đỏ, dưa hấu đỏ, bao lì xì đỏ... thì không bị cấm).
Hỏi hoài mà chả ai giải thích được tại sao, cuối cùng TS Huỳnh văn Tới giải thích cho tôi như sau:
Chuyện này cũng có liên quan đến ông Trần Thượng Xuyên, đức ông người Hoa đã tham gia mở cõi ở Biên Hòa. Khi quan tổng binh Trần Thượng Xuyên mang theo 3.000 gia tướng sang Việt Nam thần phục chúa Nguyễn, ông được đưa đến mở mang vùng đất Biên Hòa. Nhờ tài năng của ông, vùng đất Cù lao Phố của Biên Hòa trở nên một thương cảng sầm uất.
Với tài năng của mình, Trần Thượng Xuyên được không những lưu dân người Hoa mà cả người Việt kính trọng. Màu đỏ là màu cao sang, quý trọng được dành riêng cho Đức ông Trần Thượng Xuyên. Ông vận phẩm phục màu đỏ, đi xe màu đỏ để tôn sự oai nghiêm và độc nhất của mình. Những người khác, từ binh lính đến dân thường đều không được sử dụng màu đỏ cho trang phục và phương tiện đi lại của mình. Ai trái lệnh sẽ được xem là phạm thượng, là hỗn, và sẽ bị trừng trị đích đáng.
Chính vì thế, ở thời đó, ai mặc đồ đỏ sẽ bị dính đòn là cái chắc, nên người ta nhắc nhở nhau đừng mặc đồ đỏ, mặc đồ đỏ sẽ rước họa vào thân. Lâu dần thành quen, người ta cứ kiêng màu đỏ mà chả nhớ tại sao lại phải kiêng!
Hơn 300 năm đã trôi qua rồi, nhưng việc kiêng kỵ màu đỏ của người Biên Hòa chỉ mới giảm bớt trong thời gian gần đây.
=> Xem thêm : Đồng Nai : Lược sử hình thành qua các thời kỳ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét