Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Ký quỹ bao nhiêu để nhập khẩu phế liệu

Một số DN sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, quy định về Luật Bảo vệ môi trường bất cứ DN sản xuất kinh doanh nào cũng phải tuân thủ chứ không riêng gì các DN sản xuất phải sử dụng nguồn phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài về nước làm nguyên liệu sản xuất.
Chính vì vậy, việc yêu cầu DN ký quỹ trước khi nhập khẩu phế liệu về nước với mục đích đảm bảo để tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm khắc phục các rủi ro môi trường do việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình nhập phế liệu gây ra là hoàn toàn đúng.


Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, với đặc thù của một số ngành nghề sản xuất như sắt thép, giấy, nhựa… do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước nên vẫn phải phụ thuộc một phần không nhỏ từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu bên ngoài.

Trong bối cảnh khó khăn vừa qua, Nhà nước đưa ra nhiều chính sách về giãn giảm thuế, hạ lãi suất… tạo điều kiện cho DN hoạt động phát triển, nhưng do nguồn vốn eo hẹp, sức cầu kém nên nhiều công ty vẫn rất chưa qua khỏi giai đoạn cầm cự.
Việc phải thực hiện ký quỹ ngay tại thời điểm đầu năm 2015 sắp tới, nếu được thông qua sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các DN. Cùng chung quan điểm này, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt cho biết, hiện nay ngành sản xuất thép trong nước hàng năm vẫn phải nhập khẩu từ 5-6 triệu tấn sắt thép phế liệu từ một số nước, do nguồn nguyên phế liệu chỉ mới đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu của DN luyện thép trong nước. Chính vì vậy, việc nhập khẩu là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, theo tính toán tổng giá trị một công hàng nhập khẩu của một DN quy mô trung bình cũng khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. Với số tiền ký quỹ lên đến 80% thì con số này thực sự là nỗi lo đối với các DN sản xuất thép.
Quan điểm của các DN là vậy, nhưng theo một vị đại diện của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), việc đóng thuế bảo vệ môi trường, ký quỹ để khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ khá lâu.

Tuy nhiên, với điều kiện tại Việt Nam, vấn đề này mới đang được xem xét để thực hiện. Việc yêu cầu DN phải ký quỹ trước khi nhập hàng phế liệu cũng là xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi thực tế. Bởi trong thời gian qua, không ít trường hợp DN nhập khẩu phế thải rồi không đến nhận hàng, gây ùn ứ, ô nhiễm ở các kho bãi, cảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh.
Lúc này nếu không có tiền ký quỹ để xử lý thì thử hỏi ngân sách sẽ lại phải gánh thêm hậu quả. Hơn nữa, tiền ký quỹ là khoản chi phí sẽ được hoàn trả lại khi DN hoàn tất các thủ tục thông quan đối với hàng phế liệu nhập khẩu nên bản chất vẫn là tiền của DN chứ không phải nộp vào ngân sách.
Số liệu trong tháng 9/2014 của Tổng cục Thống kê cho thấy, cơ quan chức năng đã phát hiện 674 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường, trong đó 435 vụ bị xử lý với tổng số tiền phạt là 8,6 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng, trên địa bàn cả nước đã phát hiện 5.500 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường, trong đó 2.900 vụ bị xử lý với tổng số tiền phạt hơn 366 tỷ đồng. Vì vậy, hậu quả để khắc phục môi trường sẽ rất lớn nếu không “nắm đằng chuôi” đối với những DN vi phạm.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, quy định khi đưa ra phải xuất phát từ thực tế và có tác động điều chỉnh trong thực tế. Vì vậy, để quy định ký quỹ sớm được triển khai nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu quả có thể cân nhắc, tính toán sao cho số tiền ký quỹ của DN phù hợp với tình hình và khả năng tài chính chung của các DN trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn hiện nay.
Đồng thời, Bộ TN&MT cũng nên lưu ý đến một số điểm đưa ra trong Dự thảo như phương pháp tính tiền ký quỹ theo giá trị lô hàng hay theo phân loại hàng hóa với mức độ, khả năng tác động đến môi trường…
Bên cạnh đó, có thể cho phép DN thay vì nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường với lãi suất không kỳ hạn như Dự thảo đưa ra, thì có thể để DN gửi vào ngân hàng hưởng lãi suất, miễn sao đảm bảo có tiền ký quỹ trước khi lô hàng đến cảng và sau thông quan.

Như vậy, số tiền ký quỹ vẫn có thể sinh lợi cho DN, bù đắp phần nào khó khăn từ việc ký quỹ. Trong khi đó, mục tiêu đảm bảo có nguồn tài chính khắc phục sự cố môi trường nếu xảy ra, cũng như hạn chế, kiểm soát được việc nhập rác thải phế liệu ồ ạt vào trong nước vẫn đạt được.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét